Tôn vinh đức hiếu hạnh giá trị cốt lõi của Lễ Vu lan
Trong quan niệm dân gian và theo Phật giáo, rằm tháng Bảy âm lịch được gọi là lễ Vu Lan, đây không chỉ là dịp để thể hiện lòng biết ơn và tri ân đối với công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ mà còn là cơ hội để mỗi người hiểu được giá trị cốt lõi của Lễ Vu lan là tôn vinh đức hiếu hạnh đúng với truyền thống đạo đức và nhân văn của dân tộc
Ban trị sự Chùa Diệu Pháp tổ chức lễ Vu lan báo hiếu PL 2568-DL2024
Kỷ niệm mùa Vu Lan báo hiếu PL.2568 – DL.2024, với tâm nguyện đền đáp Tứ trọng ân của người con Phật, đền đáp thâm ân sâu dày của đấng sinh thành, chùa Diệu Pháp, thôn 1, xã Ea Lê cùng các Niệm Phật đường trên địa bàn huyện đã tổ chức mừng lễ Vu Lan báo hiếu.
Đại Đức Thích Pháp Huệ-Trưởng Ban trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam Huyện ôn lại tích Phật ngày lễ Vu lan
Tích Phật giáo kể rằng, đệ tử Phật Thích Ca là Mục Kiền Liên thấy mẹ của mình bị đọa vào chốn ngạ quỷ, do những tội lỗi báng bổ tôn giáo nên tìm cách xuống âm ty dâng cơm cho mẹ. Nhưng cơm đến tay mẹ thì biến thành lửa bỏng không thể ăn được. Mục Kiền Liên liền quay về hỏi Phật cách giải cứu. Phật dạy, ngày rằm tháng Bảy là dịp các phương chư Phật tụ hội về, nên có thể dùng trăm món đồ cúng đựng vào chậu, thực hành thí thực cho người tu hành và tụng kinh cầu xin, thành tâm làm chư Phật đồng cảm mà giúp vong hồn được giải tội. Mục Kiền Liên làm theo và đã cứu được mẹ thoát cảnh ngục hình. Từ tích này, Phật giáo đặt ra lễ cúng rằm tháng Bảy âm lịch, gọi là Vu Lan Bồn. Tổ chức lễ gọi là Vu Lan Bồn hội, tức pháp hội cứu khổ cho mẹ Mục Kiền Liên thoát cảnh bị treo ngược ở cõi âm ty. Người đời cúng lễ này, là để cầu siêu cho ông bà, tổ tiên đã quá vãng hoặc cha mẹ đã mất. Nếu cha mẹ còn sống, thì hành lễ này cũng cầu phước cho cha mẹ sống bình an, mạnh khỏe.
Lãnh đạo huyện tặng quà chúc mừng Ban trị sự cùng tăng Ni, Phật tử Chùa Diệu Pháp nhân ngày lễ Vu Lan
Lễ Vu Lan, được tổ chức vào ngày Rằm tháng Bảy âm lịch hàng năm, không chỉ là một ngày lễ quan trọng trong Phật giáo mà còn mang đậm giá trị văn hóa và tinh thần của người Việt Nam. Lễ Vu Lan trở thành biểu tượng của lòng hiếu thảo và sự báo ân, nhắc nhở mỗi người về trách nhiệm và bổn phận đối với cha mẹ và tổ tiên. Trong truyền thống đạo lý của dân tộc Việt Nam, việc báo hiếu và đền ơn là những giá trị cốt lõi, thể hiện tinh thần “uống nước nhớ nguồn” và “ăn quả nhớ người trồng cây.” Việc tổ chức lễ Vu Lan giúp người dân hiểu rõ hơn về giá trị của đức hiếu hạnh, đồng thời khuyến khích mỗi người trân trọng những gì mình đang có và nhớ về công ơn của tổ tiên. Lễ Vu Lan đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Việt, góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc.
Lãnh đạo huyện tặng quà chức mừng lễ Vu lan tại niệm Phật đường Thanh Tịnh thôn 7, xã Cư Mlan
Giá trị cốt lõi của lễ Vu Lan là tôn vinh đức hiếu hạnh, là dạy cho con người biết tri ân công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Đó cũng là đạo lý làm người căn bản của mỗi người dân Việt Nam. Bởi vậy, lễ Vu Lan đã được đón nhận, hưởng ứng và lan toả trong đời sống tinh thần người Việt.
Ông Phạm Thuỷ Tiên-Uỷ viên BTV Huyện uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện phát biểu chúc mừng lễ Vu lan tại Chùa Diệu Pháp
Rằm tháng Bảy hay lễ Vu Lan báo hiếu là một nét văn hóa nằm trong tổng thể văn hóa truyền thống Việt Nam mà Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021 đã đề cập và cần được giữ gìn, phát huy. Theo đó, các thiết chế văn hóa cần đầu tư vật chất và trí tuệ một cách cụ thể cho văn hóa truyền thống, nhằm phát triển văn hóa vừa là nền tảng, vừa là mục tiêu cho phát triển đất nước, hướng tới giá trị chân thiện mỹ, góp phần xây dựng nhân phẩm con người Việt Nam. Do đó, theo biến thiên của thời gian, bất luận lễ Vu Lan có đổi thay đi chăng nữa, điều cần phải giữ gìn vẫn là đức hiếu hạnh, sự tri ân cha mẹ, ông bà, tổ tiên.