Nông dân Ea Súp được mùa sắn nhưng mất giá
Những ngày này, khắp cánh đồng sắn trên địa bàn huyện Ea Súp nhộn nhịp cảnh thu hoạch. Từng đoàn xe tải nối đuôi nhau chở sắn về nhà máy, trong khi người dân tất bật thu gom, bóc vỏ và vận chuyển. Tuy nhiên, niềm vui trúng mùa không thể trọn vẹn khi giá sắn liên tục giảm sâu, khiến nông dân rơi vào cảnh lao đao.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Ea Súp, toàn huyện có hơn 16.000 ha sắn, tập trung chủ yếu tại các xã Ia R’vê, Ia Lốp, Cư M'lan và Cư Kbang. Những năm qua, diện tích trồng sắn tăng nhanh, giá cả bấp bênh khiến cho người trồng gặp nhiều khó khăn.
Nông dân xã Ia Lốp thu hoạch sắn
Nhờ thời tiết thuận lợi, năng suất sắn năm nay đạt từ 20 - 25 tấn/ha, cao hơn các năm trước. Thế nhưng, giá thu mua lại giảm mạnh, chỉ còn khoảng 1.200 - 1.500 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với thời điểm cùng kỳ. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí đầu tư và thuê nhân công, nhiều hộ chỉ hòa vốn, thậm chí thua lỗ.
Anh Nguyễn Văn Hòa, một hộ trồng sắn tại xã Ia Rvê, chia sẻ: "Gia đình tôi trồng hơn 3 ha sắn, năm nay thu hoạch được gần 90 tấn. Nhưng với giá bán như hiện nay, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận chẳng đáng là bao. Nếu giá còn tiếp tục giảm, năm sau chắc tôi phải chuyển đổi cây trồng khác."
Nguyên nhân chính khiến giá sắn giảm mạnh được cho là do nguồn cung dồi dào nhưng đầu ra gặp khó khăn. Nhiều nhà máy chế biến tinh bột sắn giảm công suất do lượng hàng tồn kho lớn, trong khi thị trường xuất khẩu chậm lại, đặc biệt là thị trường Trung Quốc – nơi tiêu thụ sắn chủ yếu của Việt Nam. Ngoài ra, chi phí vận chuyển tăng cao cũng khiến giá thu mua bị ép xuống thấp.
Ông Vũ Đức Ninh, chủ một đại lý thu mua sắn tại địa bàn xã Iarve, cho biết: "Năm nay, lượng sắn thu hoạch rất lớn nhưng nhà máy không đẩy mạnh thu mua do chưa xuất được hàng. Giá thành phẩm giảm nên giá nguyên liệu đầu vào cũng bị kéo xuống. Nếu tình hình này tiếp diễn, nông dân sẽ rất khó khăn."
Trước tình trạng giá sắn tươi quá thấp, nhiều hộ dân đã chọn cách thuê nhân công, phơi sắn khô để bán với giá cao hơn, nhằm vớt vát phần nào chi phí đầu tư. Cách làm này giúp nông dân giảm bớt lỗ và có thêm lựa chọn thay vì bán sắn tươi với giá rẻ. Tuy nhiên, việc phơi sắn khô cũng đòi hỏi chi phí nhân công, thời gian, diện tích sân bãi và phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, nên không phải hộ nào cũng có thể thực hiện.
Người dân chủ động phơi sắn khô để bán được giá cao
Anh Lê Văn Nam, một nông dân tại xã Ia Lốp, cho biết: "Với giá sắn tươi chỉ hơn 1.500 đồng/kg, nên tôi phơi sắn khô để bán với giá khoảng 3.500 - 4.000 đồng/kg. Dù mất thêm thời gian và công sức, nhưng ít ra vẫn có lãi hơn so với bán tươi."
Trước tình trạng giá sắn giảm mạnh, nhiều nông dân mong muốn có sự hỗ trợ từ chính quyền và ngành chức năng. Một số giải pháp được đề xuất bao gồm tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới, hỗ trợ người dân liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, và có chính sách dự trữ, bình ổn giá. Theo UBND huyện Ea Súp, địa phương đang phối hợp với các doanh nghiệp để tìm hướng tiêu thụ sản phẩm, đồng thời khuyến khích người dân áp dụng mô hình sản xuất bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm để có đầu ra ổn định.
Vụ sắn năm 2025 tại Ea Súp dù được mùa nhưng lại rơi vào cảnh mất giá, khiến nhiều nông dân gặp khó khăn. Nếu không có những giải pháp kịp thời, nguy cơ thua lỗ kéo dài sẽ khiến người dân phải tính toán lại hướng đi cho cây sắn trong những năm tiếp theo.