Thứ bảy, ngày 26 tháng 04 năm 2025
Thống kê hồ sơ
Bình Chọn
Đánh giá thái độ phục vụ của cán bộ tiếp nhận hồ sơ ?
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

Cập nhật lúc: 02/10/2023

“NGƯỜI THƯỢNG – họ là ai?” Lời giải đáp về cội nguồn người Thượng hay trò đánh tráo khái niệm đầy xảo quyệt của nhóm tác giả kênh “THEO DẤU GIÀY SÔ”?

Ngày 18 tháng 6 năm 2023, trên kênh Youtube “THEO DẤU GIÀY SÔ” (với 458.000 người đăng ký) đăng tải video “NGƯỜI THƯỢNG – họ là ai?”. Cái tên gọi của video hứa hẹn với người xem một lời giải đáp về cội nguồn của người Thượng (các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên) nhưng thực chất lại chính là trò đánh tráo khái niệm đầy xảo quyệt của nhóm tác giả Bút Thép, Hậu Lực và Huỳnh JR. 

Trước hết, hãy cùng sơ lược qua về nội dung của video này.

Nhóm tác giả Bút Thép, Hậu Lực và Huỳnh JR dẫn người xem đi tìm hiểu những mâu thuẫn của người Thượng ở Việt Nam qua các thời kỳ mà chúng gọi là ngày xưa, thời Pháp thuộc, thời Quốc gia Việt Nam, năm 1954, năm 1957, năm 1964, cuộc bạo động mới đây. Theo đó, ngày xưa Tây nguyên là một vùng đất tự trị, độc lập. Thời Pháp thuộc người Pháp áp dụng nhiều đặc quyền cho người Thượng nhằm tách biệt hẳn vùng cao với đồng bằng. Thời Quốc gia Việt Nam, Tây Nguyên là hoàng triều cương thổ, được tách ra tự trị, có quy chế hành chánh riêng. Năm 1954, cuộc di dân kinh tế mới trực tiếp thay đổi văn hóa, nếp sống và cả giọng nói của người dân bản địa nơi này. Chế độ Ngô Đình Diệm ngăn cấm người Thượng nên họ đã ngả theo Cộng sản. Năm 1957, phong trào Bajaraka được thành lập nhằm phản đối chính sách phân biệt đối xử của chính quyền Ngô Đình Diệm. Sau đó dưới sự hậu thuẫn của Mĩ, họ đã được thành lập quân đội riêng, chống lại cả miền Bắc và miền Nam Việt Nam với cánh tra tấn dã man, thậm chí là man rợ những người họ bắt được. Năm 1964, tổ chức khủng bố Fulro chủ trương dùng bạo lực để thành lập quốc gia độc lập. Sau đó Fulro thất bại, chế độ Cộng sản cầm quyền ở Việt Nam nhưng người Thượng vẫn chịu nhiều bất công và phân biệt. Cuộc bạo động mới  đây (chỉ vụ khủng bố 11/6 ở Đắk Lắk) là kết quả của việc “tức nước vỡ bờ”.

Xem qua video, dễ dàng nhận thấy “THEO DẤU GIÀY SÔ” đã cố tình đánh tráo khái niệm để hướng lái người xem theo một cách hiểu hoàn toàn phi lịch sử. Cụ thể là gì?

Trước hết, hãy để ý đến tên của video này: NGƯỜI THƯỢNG – họ là ai? Vậy là hiển nhiên, những người hiểu ngôn từ tiếng Việt ai cũng sẽ biết nội dung của video sẽ phải làm cho người xem thấy rõ người Thượng có nguồn gốc từ đâu, lịch sử hình thành và phát triển thế nào trên các phương diện: cội nguồn, quy mô dân số, trình độ phát triển, quan hệ dân tộc... Thế nhưng sau một thao tác nhấp chuột vào video, nội dung chính lại đã hiện hữu ngay trên màn hình trực diện:  NHỮNG MÂU THUẪN CỦA NGƯỜI THƯỢNG Ở VIỆT NAM. Vậy là hóa ra, với một tiêu đề, tất cả người xem đã bị nhóm tác giả “THEO DẤU GIÀY SÔ” dắt mũi, đánh lừa. 

nguoi thương xuaNội dung Video không đúng như tiêu đề đăng tải

Thứ hai, rất nhiều sự thật lịch sử đã bị bóp méo mà không phải ai cũng có thể nhận ra. Hãy cùng điểm qua những sự thật ấy:

- Đầu video, nhóm tác giả này khẳng định “Ngày xưa, vùng đất này (ý chỉ Tây Nguyên) vốn tự trị, độc lập hẳn với người Việt và có nhiều quốc gia sơ khai được thành lập dựa trên sự tồn tại của nhiều dân tộc thiểu số”.

Ai cũng biết rằng, để làm nên một quốc gia độc lập, cần ít nhất sự hội tụ của cương vực lãnh thổ, ngôn ngữ, văn hóa dân tộc, thể chế chính quyền điều hành và tham gia quan hệ quốc tế. Dẫu là “quốc gia sơ khai” thì cũng phải đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của cái gọi là một “quốc  gia”. Thế nhưng nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển của vùng Tây Nguyên, chưa bao giờ tồn tại một quốc gia nào theo đúng nghĩa (như Công ước quốc tế từng công nhận). Nơi đây chỉ là địa bàn cư trú của những người thuộc đại chủng Ôxtralôit xa xưa (Xem thêm Phan Văn Bé, Tây Nguyên sử lược, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1993). Người M’Nông – cư dân lâu đời ở Đắk Lắk có mặt tại đây ít nhất vào thời đại đồng đá, ở khắp nơi bên tả ngạn hạ lưu sông Mê Kông. Trong lịch sử trước năm 1945 từng phải chịu sự thống trị của đế quốc Phù Nam, đế quốc Chân Lạp, Chiêm Thành, Xiêm La… khi chúng di cư đến. Người Ê Đê, Gia Rai, Chăm, Raglay, Chu Ru xuất phát từ ven biển Quảng Đông (Trung Quốc) tràn xuống từ thiên niên kỷ thứ II trước Công Nguyên; sau khi dừng lại ở ven bờ biển Đông, trở thành tổ tiên của người Chàm, một số tiếp tục di cư lên vùng núi Trường Sơn, hòa huyết cư dân bản địa cao nguyên Đắk Lắk và cao nguyên Pleiku…Đối đầu với sự thống trị của các đế quốc ấy, người dân Tây Nguyên đã lập nên những người đứng đầu là các Patau Ia (Vua nước), Patau Pui (Vua lửa). Nhưng chừng đó chưa đủ để gọi là họ có một nhà nước độc lập riêng như nội dung video trên từng khẳng định.

- Trong “kho từ điển” rêu rao về việc phân biệt chủng tộc của các thế lực phản động hẳn luôn có sự hiện diện của một từ là từ “MỌI”. Nhóm tác giả của video này nhận định “Cách gọi mọi hay man là do người Việt gọi người thiểu số”. Và hiển nhiên, với tâm lý của nhiều người, họ sẵn sàng đồng ý với nhận định ấy. Nhưng sự thật có phải là như vậy?

Để làm rõ điều này, xin được lấy ngay chính quan điểm của một tiến sĩ (vốn dĩ không có mấy thiện cảm với chế độ Cộng sản ở Việt Nam) – Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy - Tiến sĩ Dân tộc học, giáo sư phụ trách khoa Các Dân Tộc Ðông Nam Á tại Ðại Học Paris. Vị tiến sĩ này cho rằng: “Trong thực tế danh xưng Mọi xuất phát từ lối phát âm của người Mường: Mơl, có nghĩa là người. Khi các giáo sĩ phương Tây đầu tiên đến Thanh Hóa vào cuối thế kỷ 16, họ đã dựa theo cách phát âm của người địa phương gọi những sắc dân sinh sống trên vùng rừng núi là Mwal, phiên âm ra theo tiếng la-tinh Việt ngữ hóa là mơ-oa l hay mơ-oai. Thật ra không có sắc dân nào tên mới cả, mỗi sắc dân đều có một tên riêng đi kèm, như Mơ Mường là người Mường. Khi cộng đồng người Việt từ các tỉnh Thanh Nghệ Tĩnh theo Nguyễn Hoàng vào Nam (tức miền Trung ngày nay) lập nghiệp đầu thế kỷ 16, họ gọi chung người miền núi là mơ-oai vì không biết đặt tên gì. Với thời gian, do cách phát âm riêng biệt của người Thanh Nghệ Tĩnh, danh xưng mơ-oai biến âm thành mọi” (tôi có một sự hoài nghi rằng đồng bào Thanh Nghệ Tĩnh đi theo chúa Nguyễn Hoàng vào Nam lúc bấy giờ tất cả là người Mường? Hoặc nếu là người Kinh thì sao lại dùng một từ của tiếng Mường để gọi những người dân tộc thiểu số ở vùng Tây Nguyên như vậy???). Ở một chỗ khác trong bài viết, Nguyễn Văn Huy cũng khẳng định: “Vào giữa thế kỷ 19, lần đầu tiên tiếp xúc với những sắc dân sinh sống trên cao nguyên Trường Sơn, người Pháp gọi chung tất cả là Mọi” và “Tại Việt Nam, người Thượng đã được các giáo sĩ phương Tây biết đến từ thế kỷ 17. Năm 1621, giáo sĩ Borri gọi chung những nhóm dân cư phía Bắc Nam Phần là Kemoy (Kẻ Mọi)” (https://nghiencuulichsu.com/2016/08/31/cong-dong-nguoi-thuong-tren-cao-nguyen-mien-trung/).

Xin dẫn thêm quan điểm của một nhà nghiên cứu khác - Henri Maitre. Tác giả này khẳng định từ “Mọi” xuất hiện lần đầu trên bản đồ vùng Tây Nguyên vào năm 1645. Đó là bản đồ Vương quốc An Nam gồm các vương quốc Đàng Ngoài và Đàng Trong do các Cha của Đoàn Truyền giáo Jésus vẽ, in ở Paris, tại Nhà xuất bản Pierre Mariette... Bản đồ ghi "Dân Kẻ Mọi hoang dã sống trong các vùng núi này". (Xem thêm Rừng người Thượng, Henri Maitre, Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp – Bảo tàng dân tộc học Việt Nam, Nhà xuất bản Trí thức, Hà Nội, 2007).

Đến đây thì có lẽ ai cũng biết “MỌI” là từ mà người Việt dùng để gọi các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên với hàm ý miệt thị, phân biệt hay là do người Pháp gọi các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên Việt Nam theo ý nghĩa này. Ấy vậy mà “THEO DẤU GIÀY SÔ” đã hùng hồn khẳng định như trên. Quả là tầm vóc đứng trên lịch sử (Theo đúng cái nghĩa mà nhóm này đề cập đến trong video: Lịch sử là khách quan, nhưng người viết sử lại chủ quan).

- Ngày 11/6/2023, một nhóm khủng bố có tổ chức nhằm chống chính quyền nhân dân có sự chỉ đạo trực tiếp từ đối tượng phản động Fulro lưu vong ở nước ngoài; các đối tượng được trang bị vũ khí rất manh động, liều lĩnh, man rợ, vô nhân tính, bất chấp đạo lý và pháp luật  đã tấn công trụ sở Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk và sát hại 9 người, đốt phá, hủy hoại tài sản của người dân. Trải qua quá trình đấu tranh, truy bắt thần tốc. Tính đến ngày 09/7/2023, Cơ quan an ninh điều tra - Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố, bắt tạm giam hơn 90 đối tượng. Trong đó, có 76 đối tượng bị khởi tố về tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; cơ quan điều tra đã thu giữ 20 khẩu súng các loại (súng quân dụng, súng hơi, súng tự chế), 2 lựu đạn, hơn 1.000 viên đạn các loại, 15 kíp nổ, 1,2kg vật liệu nổ, 1 nòng giảm thanh, 2 ống ngắm, 1 bộ mô hình mìn tập, 30 dao, 10 cờ Fulro, hàng chục điện thoại di động, thẻ nhớ, thiết bị điện tử (trong đó có 3 điện thoại di động mà các đối tượng chôn giấu dưới đất và đốt 1 chiếc), nhiều ná cao su cùng các tài liệu, chứng cứ khác liên quan (xem thêm https://congan.com.vn/vu-an/kinh-hoang-voi-nhung-loi-khai-cua-nhung-doi-tuong-cam-dau-vu-khung-bo-o-dak-lak_149577.html). Ấy vậy mà “THEO DẤU GIÀY SÔ” lại ngang nhiên khẳng định “Có thể nói rằng cuộc bạo động mới đây có dấu hiệu của khủng bố nhưng vì sao mà họ phải như vậy? Nếu họ được đối xử công bằng như những người Việt khác thì chuyện đáng tiếc đó có xảy ra hay không? Không sai khi nói rằng họ đã tức nước vỡ bờ”. Quả thật, chúng ta phải hoài nghi trình độ tiếng Việt của nhóm tác giả video này khi chúng dùng thành ngữ “tức nước vỡ bờ” ở đây. Một hành động có tổ chức, có sự chuẩn bị hết sức kỹ càng, được diễn ra dưới bàn tay đạo diễn của đối tượng phản động Fulro lưu vong ở nước ngoài, dùng những hành động tàn bạo, man rợ nhất đối với đồng bào, đồng loại của mình mà lại được xem là “tức nước vỡ bờ” – hành động mang tính bột phát, tức thì, thiếu tính toán? 

Vả chăng, hãy nhìn vào chính sách dân tộc của Việt Nam để thấy rằng ở đất nước này có hay không có sự đàn áp, phân biệt chủng tộc, sắc tộc. Hơn 90 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đặt vấn đề dân tộc lên hàng đầu, xem đây là một vấn đề có vị trí chiến lược lớn. Các văn kiện Đại hội Đảng từ lần thứ II đến lần thứ V đều nhấn mạnh nguyên tắc “Đoàn kết, bình đẳng giữa các dân tộc’’, Đại hội Đảng lần thứ VI, và VII khẳng định “Đoàn kết, bình đẳng, giúp đỡ lẫn nhau’’, Đại hội Đảng lần thứ VIII khẳng định “Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ’’, “Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển’’ (Đại hội IX), “Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ’’ (Đại hội X), “Bình đẳng, đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ” (Đại hội XI), “Bình đẳng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát  triển” (Đại hội XII), “bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển” (Đại hội XIII). Với nguyên tắc ấy, các dân tộc trên đất nước Việt Nam đã và đang chung sống một cách hòa bình; thân ái; đời sống ngày càng được cải thiện, nâng cao. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Xin lấy Đắk Lắk làm ví dụ. Toàn tỉnh có 49 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 35,7% dân số. Trong 10 năm qua (2011 – 2021), tỉnh đã tổ chức 26 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, với 4.418 lượt người có uy tín tham gia; cấp 720.273 tờ Báo Dân tộc và Phát triển, 2.256.290 tờ báo Đắk Lắk cho 9.155 người có uy tín; tổ chức 15 đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm ngoài tỉnh cho 447 người có uy tín tiêu biểu của 15 huyện, thị xã, thành phố; thăm hỏi, tặng quà 5.086 người có uy tín nhân dịp Tết Nguyên đán hằng năm; thăm hỏi, động viên tinh thần cho 2.542 trường hợp người có uy tín bị ốm đau, gặp tai nạn, thiên tai, hỏa hoạn; tổ chức biểu dương, khen thưởng cho 2.090 người có uy tín có nhiều thành tích tiêu biểu. Năm 2022, tổng kinh phí đã giao thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 là 612.814 triệu đồng; trong đó ngân sách Trung ương là 550.814 triệu đồng, ngân sách tỉnh là 62.000 triệu đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức khen thưởng cho 196 người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số luôn được quan tâm bảo tồn, phát huy, phát triển. (Xem thêm https://dangcongsan.vn/van-hoa-vung-sau-vung-xa-bien-gioi-hai-dao-vung-dan-toc-thieu-so/khat-vong-vuon-len/dak-lak-thuc-hien-tot-chinh-sach-dan-toc-nham-nang-cao-chat-luong-song-cho-dong-bao-613605.html).

Ở mảnh đất này, người Kinh có thể nói tiếng dân tộc thiểu số, người dân tộc thiểu số có thể giao tiếp sành sỏi tiếng dân tộc mình và cả tiếng Việt (ngôn ngữ của dân tộc Kinh); các dân tộc thiểu số cũng có thể dễ dàng giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ của một dân tộc thiểu số nào đó. Dù khác dân tộc, người ta vẫn có thể ăn món ăn của nhau, nghe nhạc của nhau, bắt tay chào hỏi nhau đầy thân thiện. Có thể nói, hiếm có một quốc gia đa sắc tộc, đa tôn giáo nào mà các dân tộc lại có thể chung sống đan xen, hòa hợp cùng phát triển như ở Việt Nam. Vậy thì cơ sở nào để tuyên bố rằng “Rất khó để có thể người Thượng và người Việt hòa hợp với nhau”? Hay đây là sự cố tình khoét sâu mâu thuẫn để gây chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc của một số đối tượng phản động mượn danh đấu tranh vì quyền tự do, dân chủ, vì công lý?

Thứ ba, nhóm tác giả này đã cố tình đồng nhất chính quyền của cộng đồng các dân tộc Việt Nam với chính quyền bù nhìn được Pháp, Mỹ dựng lên trong lịch sử; từ đó lấy những việc làm, hành động của chính quyền bù nhìn, chính quyền Pháp, Mỹ để quy chụp cho nhà nước ta. Xin trích dẫn nguyên văn như sau:

- “Thời Pháp thuộc, người Pháp áp dụng nhiều đặc quyền cho người Thượng nhằm tách biệt hẳn vùng cao với đồng bằng, tạo thêm nhiều mâu thuẫn sâu sắc giữa người Kinh và Tây Nguyên”.

- “Đỉnh điểm mâu thuẫn giữa người Việt và người Thượng là do các chính sách phân biệt đối xử của Tổng thống Ngô Đình Diệm cấm người Thượng giữ gìn phong tục cũng như không được nói tiếng bản địa mà phải nói tiếng Kinh”.

Đến đây, người xem sẽ tự đặt câu hỏi, vậy thì ai mới là người đang phân biệt, đối xử, đang khoét sâu mâu thuẫn, phân biệt chủng tộc tại Việt Nam? Phải chăng đó là chính quyền Việt Nam? Phải chăng đó là do chính sách phân biệt chủng tộc mà chính quyền Việt Nam áp đặt lên các dân tộc thiểu số trên mọi miền đất nước nói chung và Tây Nguyên nói riêng? Ấy thế mà Bút Thép, Hậu Lực và Huỳnh JR dám cao giọng “Dù ở chánh thể nào thì người lãnh đạo vẫn luôn rêu rao những luận điệu hòa hợp, không phân biệt sắc tộc nhưng thật sự đâu đó vẫn còn những sự phân biệt ngầm. Một số người miền Bắc luôn có sự miệt thị người miền Nam là mọi Miên, là Tàu lai, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc”. Không biết công tác biên tập, xuất bản của “THEO DẤU GIÀY SÔ” được thực hiện thế nào lại để trong một video xuất hiện hiện tượng “tự vả mặt mình” như vậy?

Cuối cùng, nếu đã thật sự thấu hiểu “không thể giải quyết mâu thuẫn bằng vũ lực được, điều đó sẽ gây tổn hại đến đất nước và những người dân thiện lượng sẽ không có kết cục tốt đẹp” thì không hiểu “THEO DẤU GIÀY SÔ” đưa ra những luận điệu như đã đề cập ở trên để làm gì? Mục đích của nhóm tác giả là “tìm kiếm sự thật” để xóa bỏ mâu thuẫn giữa người Thượng và người Kinh (nếu có?), vun đắp cho khối đại đoàn kết dân tộc, củng cố và phát huy sức mạnh của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, của Đảng Cộng sản Việt Nam hay tiếp tục thúc đẩy mục tiêu đòi li khai tự trị của một số kẻ phản bội Tổ quốc, chống lại Nhân dân, lừa dối đồng bào dân tộc thiểu số lương thiện trên mọi miền đất nước? Câu hỏi này xin phép để dành cho người đọc tự trả lời. Trong khuôn khổ của bài viết này, người viết chỉ xin đề cập đến một vài điều “trái khoáy”, phi lý ở trên với mong muốn người đọc, người xem thấu rõ hơn bản chất của các thế lực thù địch, tỉnh táo hơn khi tiếp cận thông tin trong thời đại hội nhập toàn cầu./.

          Đội An ninh-Công an huyện Ea Súp

In Gửi Email

CÁC CHUYÊN MỤC KHÁC

ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang