Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số
Những năm qua, Tỉnh Đắk Lắk nói chung và Thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng đã luôn quan tâm đến vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc thiểu số bản địa và khẳng định văn hoá truyền thống các dân tộc thiểu số là một bộ phận không thể tách rời trong nền văn hoá Việt Nam, góp phần quan trọng phát triển đời sống kinh tế - xã hội. Nằm trong tổng thể “bức tranh” văn hóa dân tộc thiểu số của dân tộc Việt Nam, Thành phố Buôn Ma Thuột có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống và lưu giữ nhiều văn hóa đa dạng, phong phú và độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc.
Nghệ nhân Y Hiu Niê hướng dẫn các học viên của lớp học đánh chiêng nâng cao
Trên địa bàn xã EaTu thuộc thành phố Buôn Ma Thuột hiện có 12 thôn, buôn với gần 17 ngàn nhân khẩu. Tại đây có 17 dân tộc anh em cùng sinh sống; trong đó có 6 buôn đồng bào dân tộc thiểu số người Êđê, chiếm tỷ lệ khoảng 48% dân số toàn xã.
Theo kết quả kiểm kê di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn hiện có 06 nhà văn hoá cộng đồng, 07 bến nước, 32 nhà dài; 17 bộ chiêng và 916 các loại công cụ lao động sản xuất truyền thống của đồng bào; 482 bộ trang phục truyền thống và có 263 người biết dệt thổ cẩm, đan lát,…Ngoài ra, trên địa bàn xã EaTu còn 04 Nghệ nhân biét chế tác các nhạc cụ dân tộc; 01 Nghệ nhân tạc tượng; 55 người biết nấu rượu cần; 44 Nghệ nhân diễn tấu chiêng; 01 Nghệ nhân chỉnh chiêng; 17 Nghệ nhân truyền dạy đánh chiêng; 03 người biết hát dân cư, kể khan và có hơn 2.400 người biết chữ viết Ê đê.
Bến nước của Người Ê đê
Những giá trị văn hóa đặc trưng như: Lễ cúng Cây nêu, Lễ cầu an và Lễ dọn bến nước…mang đậm nét bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa, nằm trong các hoạt động Lễ hội cà phê Buôn Ma thuột.
Dưới sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, của thành phố và sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành và cộng đồng các dân tộc, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện hiệu quả. Cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới, công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá ở các buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Xã EaTu luôn được Đảng uỷ - Chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện, với những nội dung cụ thể như xây dựng, củng cố và phát triển được hệ thống các thiết chế văn hoá – thể thao và các nhà văn hoá cộng đồng cho các thôn, buôn để phục vụ cho các hoạt động văn hoá của Nhân dân; phối hợp và tổ chức nhiều hoạt động để lưu giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc Ê đê; một số nghi lễ, lễ hội đã được phục dựng; công tác vận động, động viên nhân dân tự giữ gìn và bảo tồn các loại hình văn hoá vật thể và phi vật thể truyền thống ở các buôn được chú trọng đẩy mạnh, trong đó một số hoạt động đã gắn với các chương trình phát triển du lịch…Hiện nay xã EaTu đã thành lập được 06 Câu lạc bộ Văn hoá dân gian ở 06 buôn, thu hút đông bảo Nghệ nhân và người dân tham gia.
Cùng với các hoạt động văn hoá – thể thao, địa phương cũng đã phối hợp với các cấp, các ngành của tỉnh và thành phố tiến hành tôn tạo, bảo tồn được 03 Bến nước ở 03 buôn; tuyên truyền vận động một số hộ ở các buôn tích cực bảo tồn các Nhà dài truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Thường xuyên duy trì sinh hoạt các đội chiêng, đội múa thanh niên của các buôn; tổ chức cho các Nghệ nhân tham gia các hội diễn và Lễ hội ởThành phố Đà Lạt, tỉnh Đắk Nông và tỉnh Kon Tum…. Đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số có những bước chuyển biến rõ rệt, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, đấu tranh bài trừ các tập quán lạc hậu. Từ đó, việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số hiệu quả, thiết thực, thu hút được sự tham gia của cộng đồng.
Để tiếp tục làm tốt công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột nói chung và xã EaTu nói riêng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết lần thứ XV của Đảng bộ thành phố Buôn Ma Thuột giai đoạn 2020 – 2025 về phát triển thành phố Buôn Ma Thuột thành đô thị phát triển, giàu bản sắc. Ông Lê Thanh Hải, Bí thư Đảng uỷ xã EaTu cho biết: “ Thời gian tới địa phương sẽ thực hiện tích cực tuyên truyền Nhân dân duy trì, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc; trong đó, vận động nghệ nhân truyền dạy đánh chiêng, tạc tượng, hát dân ca, kể khan, dệt thổ cẩm. Đề xuất xem xét đưa chương trình dạy chữ viết Ê đê chính khoá vào một số trường tiểu học trên địa bàn. Duy trì, tổ chức các lễ hội, văn hóa truyền thống của dân tộc như: văn hóa ẩm thực, trang phục, môn thể thao dân tộc. Từ đó, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần, khích lệ người dân thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; giữ gìn an ninh trật tự, phấn đấu xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Bí thư Đảng uỷ xã EaTu chia sẻ công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn
Để thực hiện có hiệu quả việc làm trên, Bí thư Đảng uỷ xã EaTu cũng đề nghị thành phố cũng như các cấp, các ngành cần quan tâm đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức; trong cộng đồng và trong mỗi gia đình về trách nhiệm trong việc bảo tồn và giữ gìn các bản sắc văn hoá truyền thống; tăng cường công tác giáo dục về bảo tồn các giá trị văn hoá của người dân tộc thiểu số cho các em học sinh, qua đó, làm tăng thêm hiểu biét của học sinh về văn hoá và xã hội, bồi đắp thêm lòng yêu quê hương đất nước, niềm tự hào về truyền thống của dân tộc. Bố trí kinh phí để phục dựng một số lễ hội truyền thống tiêu biểu của người Ê đê; giữ gìn các loại nhạc cụ truyền thống, các làn điều dân ca nhất là đối với xã, phường có nhiều buôn người đồng bào dân tộc để các đơn vị chủ động trong việc mở lớp dạy đánh chiêng, lớp truyền dạy hát Ây rây, Đingnăm… cho đồng bào dân tộc; quan tâm đến chế độ chính sách đối với nghệ nhân, nhất là các nghệ nhân tiêu biểu đang nắm giữ, hiểu biết về các Lễ hội, nghệ nhân chỉnh chiêng, đánh chiêng, các nghệ nhân đang nắm giữ các làn điều dân ca, nghệ nhân biết chế tác các nhạc cụ dân tộc… để động viên, khuyến khích họ trong việc giữ gìn và truyền dạy lại các bản sắc cho các thế hệ sau./.
Hương Giang